Đừng nhầm lẫn giữa ‘Fashion Designer’ và ‘Fashion Illustrator’

Ngành công nghiệp thời trang không chỉ có các Nhà Thiết kế thời trang (Fashion Designer) mà còn có Nhà sáng tạo chất liệu (Textile Designer), Nhà nghiên cứu thị trường (Fashion Market Research), Nhà kinh doanh thời trang (Fashion Sales Manager), Nhà diễn họa thời trang (Fashion Illustrator), v.v… và đôi khi người ta hay nhầm lẫn giữa các Nhà Thiết kế Thời trang với các Nhà diễn họa thời trang khi nhìn thấy những bản vẽ lung linh. Điều đó cũng kéo theo sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm “Bản vẽ diễn họa” và “Phác thảo”.

Bản vẽ để gọi chung hành động vẽ, “Bản vẽ diễn hoạ” là vẽ diễn giải lại một vật thể nào đó, trong trường hợp này là một bộ trang phục, một phụ kiện thời trang: giày dép, túi xách, v.v… “Phác thảo” là từ dành cho những bản vẽ thiết kế thời trang (hoặc thiết kế trong các ngành mỹ thuật công nghiệp và nội thất, kiến trúc…)

Bộ sưu tập Chanel Couture S/S 2016

Nhà diễn họa thời trang (Fashion Illustrator) là người đảm nhận công việc tái hiện lại những thiết kế có sẵn thành những bức tranh mang phong cách riêng của mình, người này có nhiệm vụ kết nối thời trang và hội họa, đưa thời trang vào trong hội họa và ngược lại. Nói một cách ngắn gọn, công việc của họ là vẽ và vẽ, vì thế để trở thành một họa sĩ diễn họa thời trang không nhất thiết phải có tư duy thiết kế trang phục, chỉ cần hiểu một cách căn bản về phom dáng, cấu trúc trang phục, chất liệu và màu sắc để có thể truyền tải ý tưởng của Nhà thiết kế thành các bức họa.

Những bản diễn họa thời trang (fashion illustration) của họa sĩ Antonio Soares

“Bản vẽ diễn hoạ – fashion illustration” là vẽ diễn giải lại một vật thể nào đó, trong trường hợp này là một bộ trang phục, một phụ kiện thời trang: giày dép, túi xách, v.v…sao cho thật rõ ràng, thu hút và bắt mắt người xem. Bản vẽ này nhiều khi hình thành sau khi đã hoàn thành bộ trang phục và được chụp hình Model.

Những bản diễn họa (fashion illustration) thời trang vô cùng quyến rũ của Shamekh Bluwi

Nhà thiết kế thời trang (Fashion Designer), đúng như cái tên của nó, là người sáng tạo ra trang phục, chuyển thể những ý tưởng trong đầu thành những bộ quần áo hoàn chỉnh. Do đó, một NTK thời trang không nhất thiết phải biết vẽ hoặc vẽ đẹp. Đương nhiên, biết vẽ sẽ là một lợi thế, bởi những bản phác thảo sẽ giúp họ truyền tải ý tưởng tốt hơn. Tuy thế, vẫn có rất nhiều cách khác để biến ý tưởng thành sản phẩm, đừng tự ti vì ‘Tôi vẽ xấu’ mà không thể trở thành một Nhà thiết kế thời trang.

hững phác thảo thiết kế (fashion sketch) kinh điển của NTK Yves Saint Laurent

Fashion Illustrator và Fashion Designer, tuy rằng là hai công việc khác nhau, hai người mang xứ mệnh khác nhau, nhưng lại hỗ trợ nhau đắc lực. Bởi các họa sĩ Diễn họa thời trang chính là những người mỹ thuật hóa sản phẩm, đưa sản phẩm của Nhà thiết kế đến gần với công chúng hơn thông qua các commission, collaboration,… Từ đó, các bản vẽ diễn họa thời trang (Fashion illustration) được sử dụng cho mục đích trưng bày nghệ thuật và còn trở thành một công cụ rất đắc lực trong việc kinh doanh thương hiệu, tăng tính thương mại và đẩy mạnh truyền thông cho các hãng thời trang.

Những phác thảo thiết kế (fashion sketch) cá tính của NTK Alexander Mc Queen

Dù bạn có làm nghề gì, hễ là trong lĩnh vực thời trang, điều tiên quyết là phải hiểu rõ công việc và nhiệm vụ của mình. Khi bạn là Fashion Illustrator, công việc của bạn không phải là thiết kế trang phục, còn khi bạn là Fashion Designer, đôi lúc bạn chỉ cần những nét phác đơn giản. Khi nhìn thấy một bản vẽ đẹp, mỹ miều đừng nghĩ họ là một nhà thiết kế giỏi. Khi nhìn thấy một phác thảo nguệch ngoạc đừng vội vàng cho rằng đây không phải một Nhà thiết kế.

Nguồn: designervn.net
oncreative.vn
dec.edu.vn